Vào ngày 21/10/2024 vừa qua, IIG Việt Nam và Tổ chức Giáo dục College Board phối hợp tổ chức buổi gặp gỡ và trao đổi với Ban Giám hiệu các trường Phổ thông trên địa bàn Hà Nội, với sự góp mặt của đại diện Ban Giám hiệu trường THCS & THPT Newton, THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Chuyên Sư Phạm, THPT Phạm Văn Đồng, THPT Phan Huy Chú, và Ban Mai School. Buổi trao đổi tập trung giới thiệu, thảo luận về chương trình Advanced Placement (AP) – một chương trình học thuật tiên tiến đem lại nhiều lợi ích cho học sinh trung học có định hướng du học và mong muốn tiếp cận giáo dục bậc cao sớm hơn.
Thông qua buổi trao đổi, đại diện các bên đã kết nối và thảo luận các phương án nhằm tạo ra cầu nối vững chắc giữa các trường Phổ thông Việt Nam và chương trình AP, qua đó mang tới cho học sinh nhiều lựa chọn hơn trong lộ trình học tập của mình.
Trong phần đầu sự kiện, ông Paul Sanders và Haike Zhao đã giới thiệu chi tiết về những môn học phổ biến trong hệ thống AP, các lợi ích mà bài thi đem lại cho học sinh. Ông Zhao cũng nhấn mạnh rằng bài thi AP đóng vai trò quan trọng trong quá trình xét tuyển của các trường Đại học hàng đầu trên thế giới, khi nhiều trường không chỉ xem kết quả của bài AP là minh chứng cho năng lực học tập của học sinh, mà còn công nhận tín chỉ để giảm thời gian và chi phí học Đại học. Những lợi ích này đã khiến AP trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho học sinh có dự định du học, giúp các em xây dựng hồ sơ ấn tượng và gia tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường Đại học danh tiếng.
Đồng thời, việc học và thi AP còn rèn luyện khả năng tư duy phản biện và tính tự lập cho học sinh – những yếu tố cần thiết cho môi trường giáo dục quốc tế. Bên cạnh đó, College Board cũng chia sẻ những câu chuyện thành công từ nhiều quốc gia khác nhau, nơi các trường đã tích hợp chương trình AP vào giảng dạy chính thức, nhấn mạnh tính toàn cầu của bài thi, mang lại những thay đổi tích cực trong cả thành tích học tập và định hướng nghề nghiệp của học sinh. IIG Việt Nam, với vai trò không chỉ là đối tác triển khai của College Board tại Việt Nam mà còn là cầu nối hỗ trợ quan trọng, tập trung đẩy mạnh chương trình và bài thi AP cùng các bài thi quốc tế khác, đưa những cơ hội học tập chất lượng đến gần hơn với học sinh và nhà trường tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển năng lực của học sinh và giáo viên.
Đại diện Ban Giám hiệu các trường Phổ thông đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới chương trình AP, tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp để triển khai chương trình một cách hiệu quả tại Việt Nam. Các trường không chỉ mong muốn hiểu rõ quy trình tích hợp AP vào chương trình giảng dạy mà còn đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến cách hỗ trợ học sinh làm quen với bài thi. Đồng thời, đại diện các trường cũng nhấn mạnh về nhu cầu trang bị cho học sinh những kỹ năng tự học và khả năng thích ứng với các môn học có độ khó cao – những cốt lõi mà bài thi AP sẽ chuẩn bị cho học sinh trước khi bắt đầu tiếp cận với môi trường giáo dục bậc Đại học. Bên cạnh đó, các trường đánh giá cao những giá trị mà bài thi AP mang lại, từ việc rèn luyện tư duy, quản lý thời gian đến cơ hội tích lũy chứng chỉ đại học, giúp học sinh giảm tải thời gian và chi phí học tập tại nước ngoài.
Buổi trao đổi đã khép lại với nhiều triển vọng hợp tác giữa College Board, IIG Việt Nam, và các trường phổ thông tại Hà Nội. Đây cũng là nền móng cho một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội để học sinh phổ thông tiếp cận với những tiêu chuẩn học tập quốc tế. Thông qua chương trình AP, học sinh Việt Nam không chỉ có cơ hội chuẩn bị tốt hơn cho hành trình du học mà còn trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường học thuật quốc tế.
Tags