Với mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, vừa qua trường Cao đẳng Huế và IIG Việt Nam cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc triển khai đánh giá tiếng Anh và áp chuẩn đầu ra cho sinh viên trong trường bằng chứng chỉ TOEIC quốc tế.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa IIG Việt Nam và trường Cao đẳng Huế nằm trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp năm 2024. Tham dự buổi lễ, về phía đại diện Nhà trường có Tiến sĩ Hoàng Bảo Hùng – Hiệu trưởng nhà trường. Về phía Đại diện IIG Việt Nam có Bà Phạm Thị Khánh Phượng – Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần IIG Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng.
Chương trình còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở: Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức Hội/Hiệp hội liên quan đến các ngành nghề đào tạo của nhà trường, bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp hội May mặc tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội CNTT và Điện tử Viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế; các đơn vị doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh; các trường Đại học thuộc Đại học Huế; các trường THCS, THPT, GGNN-GDTX trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Ban Giám hiệu và đông đảo cán bộ, giáo viên của nhà trường.
Theo nội dung ghi nhớ Hợp tác, IIG Việt Nam sẽ đồng hành cùng trường Cao đẳng Huế trong việc phát triển năng lực tiếng Anh đầu ra của sinh viên thông qua việc phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào cho sinh viên năm nhất bằng bài thi TOEIC Placement Test, đánh giá năng lực đầu ra cho sinh viên bằng bài thi TOEIC quốc tế. IIG VIệt Nam cũng sẽ tiến hành tập huấn cho Giảng viên của trường về phương pháp giảng dạy tiếng Anh theo định hướng bài thi TOEIC quốc tế nhằm mục đích cung cấp cho Giảng viên những công cụ, kỹ năng, phương pháp tiếp cận và đào tạo tiếng Anh hiệu quả. Đồng thời IIG Việt Nam cũng sẽ phối hợp với trường tổ chức các Hội thảo nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho sinh viên về kỳ thi TOEIC quốc tế, đề xuất Nhà trường sử dụng chương trình đào tạo tiếng Anh trực tuyến English Discoveries và Chương trình học – luyện thi TOEIC OLPC kết hợp trong việc giảng dạy tiếng Anh cho Sinh viên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Về phía trường Cao đẳng Huế, Ban giám hiệu Nhà trường cam kết sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo và đánh giá tiếng Anh theo chuẩn quốc tế ở một số ngành học trọng điểm, sử dụng chứng chỉ TOEIC quốc tế còn thời hạn như một trong những căn cứ hàng đầu để xét công nhận đạt chuẩn đầu ra về năng lực tiếng Anh đối với sinh viên kể từ năm học 2024.
Trường Cao đẳng Huế được thành lập theo Quyết định số 147/QĐ-LĐTBXH ngày 5/2/2024 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 3 trường: Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế và Trường Cao đẳng Giao thông Huế, được xem là ngôi trường có hạ tầng cơ sở vật chất cũng như lực lượng đào tạo lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Với hơn 100 mã ngành đào tạo từ sơ cấp đến cao đẳng, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực chính và 1 lĩnh vực đặc thù: Công nghệ (đặc biệt là: Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin và Kinh tế số), Dịch vụ (dịch vụ trong Giao thông vận tải, logistics, Chế biến món ăn…), các ngành nghề đào tạo liên quan đến lĩnh vực Du lịch, Văn hóa và Đào tạo các ngành sư phạm đặc thù (bao gồm: Sư phạm mầm non, Sư phạm nhạc, Sư phạm họa và Sư phạm Công nghệ), trường Cao đẳng Huế mở ra cơ hội học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho các em sinh viên với cam kết việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. Trong đó, mục tiêu nâng cao năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế chính là một trong những điều kiện tiên quyết giúp các em chinh phục cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Với định hướng cấp tiến trong giáo dục và đào tạo của Ban giám hiệu nhà trường, lễ ký kết hợp tác đánh dấu dấu mốc quan trọng, hướng tới mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực dành cho sinh viên trường Cao đẳng Huế. Đây cũng là tiền đề tích cực giúp nâng chuẩn quốc tế đối với chất lượng giáo dục và đào tạo cho sinh viên và Nhà trường, giúp các em được trang bị kĩ năng cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế, qua đó góp phần vào công cuộc đổi mới nền Giáo dục nước nhà.